Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL chính thức được thành lập theo quyết định số 269/QĐ-ĐHCT.TCCB ngày 24-03-2005 cuả Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ.

Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL với chức năng nhiệm vụ: Đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu,chuyển giao và tư vấn khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng yêu cầu đào tạo sinh viên, cán bộ kỹ thuật và các nhu cầu sản xuất của nông dân khu vực ĐBSCL; từng bước tối ưu hoá hiệu quả các hệ thống nông nghiệp trên các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, hướng nông dân khai thác, quản lý hợp lý và bền vững theo hướng công nghiệp hoá sản xuất, hiện đại hoá nông thôn vùng ĐBSCL và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Tính đến nay, Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đã qua nhiều lần đổi tên với các chức năng và nhiệm vụ cụ thể phù hợp với các giai đoạn và bối cảnh phát triển của xã hội như:

  • Viện Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Canh tác Đồng bằng sông Cửu Long, theo quyết định số 2960/GD&ĐT ngày 26/8/1995 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Canh tác ĐBSCL, theo quyết định số 3186/TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24/12/1991.
  • Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Canh tác Trường Đại học Cần Thơ, tháng 3/1988.
  • Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa ĐBSCL trực thuộc Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Cần Thơ, năm 1981.
  • Bộ môn Cây lúa - Khoa Trồng Trọt, Trường Đại học Cần Thơ, năm 1976.

 

Những thành tựu Viện đạt được:

Có thể nói những thành tích nổi bật mà Viện NCPT ĐBSCL đạt được là được các địa phương ở ĐBSCL đánh giá cao về phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn, tạo được uy tín với các tổ chức trong nước và quốc tế. Một số thành tựu nổi bật về nghiên cứu khoa học, giảng dạy, khuyến nông và phát triển nông thôn trong quá trình hoạt động của Viện như sau:

 

1. Về đào tạo - huấn luyện
Những năm qua, Viện đã góp phần rất lớn trong việc đào tạo sinh viên cho các Khoa và các Trường trong khu vực. Cán bộ giảng dạy của Viện đã chấp hành và thực hiện tốt các nội quy, quy định của Trường trong công tác đào tạo. Không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy theo phương pháp tình huống, phương pháp giảng dạy 2 chiều, kết hợp chặt chẽ lý thuyết với thực hành. Thường xuyên cập nhật giáo trình, bài giảng. Sử dụng các thông tin từ kết quả nghiên cứu, tình hình thực tế ở địa phương để áp dụng vào bài giảng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức mới, sát với thực tiễn địa phương ĐBSCL.
- Tham gia đào tạo cho nhiều thế hệ sinh viên các bậc Kỹ sư, Thạc sỹ ngành nông học và trồng trọt. Đặc biệt, Viện đã hoàn tất đề án mở ngành học mới “Phát triển Nông thôn” bậc đại học và cao học được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) chấp thuận và tuyển sinh vào năm học 2006-2007.
- Bên cạnh việc giảng dạy chính quy và ngoài chính quy, huấn luyện về phương pháp và kỹ thuật cho cán bộ địa phương và nông dân cũng là một trong những hoạt động quan trọng của Viện. Trong những năm gần đây, Viện đã tổ chức và huấn luyện ngoại khoá, với nhiều chuyên đề khác nhau cho hàng chục ngàn nông dân và cán bộ địa phương.

 

2. Về nghiên cứu khoa học
- Tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường, cấp Tỉnh và cấp đơn vị (hàng năm, thực hiện khoảng 30 đề tài nghiên cứu khoa học).
- Thực hiện và điều phối hàng trăm đề tài nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong khuôn khổ của những chương trình, dự án hợp tác quốc tế và trong nước. Các kết quả của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã mang lại những kết quả thiết thực phục vụ nhu cầu sản xuất và phát triển nông thôn ĐBSCL và các vùng khác trong nước; Phương pháp khuyến nông theo hướng hệ thống canh tác, phương pháp tiếp cận "từ cơ sở lên" (bottom up approach) đã được giới thiệu và phổ biến trong Mạng lưới Nghiên cứu hệ thống canh tác Việt Nam do Viện sáng lập và điều phối.
- Đặc biệt từ năm 1977 đến 2006, Viện đã chọn tạo được trên 50 giống lúa cao sản ngắn ngày, 18 giống trung vụ đưa ra sản xuất đại trà, có 13 giống lúa được Bộ NN-PTNT công nhận là giống quốc gia và hiện đang phóng thích nhiều giống lúa triển vọng. Một số giống lúa như: MTL250, MTL364, MTL392, MTL422, MTL325, MTL384.... có năng suất cao, có mùi thơm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với nhiều vùng sinh thái ở ĐBSCL, và được nông dân rất ưa chuộng, trồng nhiều ở Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang....
- Ứng dụng bảng so màu lá để bón phân đạm cho lúa, được Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật, áp dụng rộng rãi ở ĐBSCL
- Viện đã đề xuất được các mô hình có hiệu quả kinh tế và bền vũng như mô hình lúa-cá chăn nuôi kết hợp, mô hình lúa-cá giống vùng nước ngọt của ĐBSCL, mô hình sản xuất nông-thủy sản trong mùa nước nổi…, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập, tận dụng lao động nhàn rỗi trong nông thôn;
- Giúp phụ nữ nông thôn xoá đói giảm nghèo, giúp vốn cho phụ nữ sản xuất và tiết kiệm và tư vấn kỹ thuật cho các mô hình: lúa, tôm, cá, gừng;
- Viện đã có nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế - xã hội như Ảnh hưởng của chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến sinh kế người dân vùng ĐBSCL; Đánh giá tác động của việc chuyển đổi các hệ thống canh tác đối với kinh tế xã hội ở các vùng khác nhau ở ĐBSCL; Đánh giá các tác động của chính sách đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông thôn ở các vùng sinh thái ở ĐBSCL; Đánh giá tác động của sự đô thị hóa đến sinh kế người dân nông thôn, Phân tích tình hình nghèo đói ở ĐBSCL; Đánh giá hiện trạng về kinh tế-xã hội cộng đồng người Khmer. Đã kiến nghị các giải pháp thích hợp góp phần tích cực phục vụ sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí, và đặc biệt là góp phần vào công cuộc phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo cho các tầng lớp nhân dân tại nhiều địa phương, trong đó có cộng đồng người Khmer.
- Viện đã được tặng thưởng nhiều giải thưởng cao quý như: giải thưởng “Bông lúa vàng”, “Bạn nhà nông-vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam 1996-2000” của Bộ NN-PTNT, giải thưởng Thương hiệu vàng chất lượng phục vụ NN&PTNT 2006 của Bộ Nông nghiệp, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang và Bạc Liêu tặng CBCC Viện “Có thành tích đóng góp xuất sắc trong công tác xã hội hoá công tác giống tại địa phương”; và nhiều giấy khen, bằng khen tập thể và cá nhân lao động xuất sắc, Chiến sĩ thi đua,....

 

3.Tư vấn phát triển - Khuyến nông
- Viện NCPT ĐBSCL đã coi trọng công tác sản xuất giống tác giả, nhân giống ở các cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng. Liên tục trong 30 năm qua, Viện đã phân phối hàng trăm tấn lúa giống (các cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng, và xác nhận) để hỗ trợ cho nông dân các tỉnh ĐBSCL.
- Viện đã cung cấp hàng ngàn tài liệu bướm, tài liệu về kỹ thuật canh tác lúa, pháp lệnh giống cây trồng, chính sách giống… đến nông dân các tỉnh ĐBSCL. Đồng thời, Viện đã tăng cường các hoạt động huấn luyện, để chuyển giao những thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân vùng ĐBSCL.
- Cán bộ đầu ngành của Viện đã tham gia tư vấn, điều phối, chủ trì các chương trình, dự án, đề tài phát triển nông thôn. Các chương trình, dự án nổi bật như:
+ Dự án Tăng cường năng lực cho cán bộ khuyến nông cơ sở ở ĐBSCL do VVOB (Bỉ) tài trợ, đã thiết lập phương pháp khuyến nông mới (PTD), hỗ trợ hoạt động khuyến nông địa phương và phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, nhờ đó kỹ năng khuyến nông của CBKN được cải thiện và nâng cao, giúp cho hoạt động khuyến nông địa phương có hiệu quả hơn, hướng đến đáp ứng nhu cầu của cộng đồng nông dân địa phương.
+ Dự án Bảo tồn Đa dạng Sinh học - CBDC: Viện liên kết chặt chẽ với các cơ quan nông nghiệp các tỉnh trong hoạt động “xã hội hóa công tác giống”, xây dựng mô hình sản xuất và trao đổi lúa giống tại 57 cộng đồng với 1.584 nông dân tham gia. Những cộng đồng này, đã sản xuất và phân phối với số lượng giống là 15.000 tấn/năm, góp phần giải quyết tốt nhu cầu giống lúa chất lượng cao cho sản xuất ở ĐBSCL.
+ Dự án phát triển kinh tế Bắc Vàm Nao (Úc), đã xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội để tiến tới quản lý tài nguyên vùng dự án Bắc Vàm Nao một cách bền vững, đa dạng hoá sản xuất, tiếp cận thị trường, tín dụng, và thể chế hóa tham gia 4 nhà, hỗ trợ các đơn vị kinh tế và các tổ chức của nông dân.
+ Dự án nâng cao đời sống tỉnh Trà Vinh (CIDA): góp phần nâng cao năng lực cán bộ địa phương và cộng đồng, đề xuất các giải pháp và chiến lược phù hợp cho phát triển, nhằm cải thiện đời sống, tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân tỉnh Trà Vinh.
+ Dự án định chế tổ chức sống với lũ tại Tiền Giang và Đồng Tháp, do tổ chức OXFAM tài trợ đã đề ra các giải pháp toàn diện về giảm thiệt cho vùng lũ Tiền Giang và Đồng Tháp, giảm bớt khó khăn do thiên tai cho người dân
+ Tham gia thực hiện dự án “Nâng cao an sinh đời sống của người dân tộc Khmer và nông dân nghèo Việt Nam ở khu vực nông thôn ĐBSCL” (TRIAS - Bỉ); và Tham gia thực hiện dự án “Xây dựng mô hình kinh tế hợp tác lúa-cá-vật nuôi tổng hợp tại Cờ Đỏ” góp phần phát triển nông thôn ĐBSCL.
+ Ngoài ra, các cán bộ Viện còn tham gia các chương trình truyền hình “Nhịp cầu nhà nông”, tham gia các chương trình giao lưu với nhà nông trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế nông hộ tại các tỉnh ĐBSCL.
- Mặt khác, Viện đã tổ chức triển lãm tại Cần Thơ và Sóc Trăng với nhiều nội dung và hình thức phong phú góp phần cung cấp thông tin, tư vấn kỹ thuật, giải đáp những thắc mắc về nhiều lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân.


4. Về hợp tác trong nước và quốc tế
Viện NCPT ĐBSCL có truyền thống rất tốt trong quan hệ hợp tác với các tỉnh ĐBSCL và cả nước, trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, Viện có mối quan hệ hợp tác rộng rãi với các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ (UNDP, FAO, IRRI, CIDA, OXFARM, SAREC, IDRC, DANIDA, JIRCAS, JICA, CARE, CIRAD, SEARICE, VVOB, TRIAS...) và nhiều Trường Đại học danh tiếng trên thế giới (Đại học Sydney, Akansas, AIT, Chaing Mai, Wagenigen, Tokyo, Kyoto, MIE, RMIT….) thông qua các chương trình dự án nghiên cứu phát triển. Việc mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học với các tổ chức này đã giúp Viện NCPT ĐBSCL có cơ hội thực hiện nhiều đề tài khoa học có tính thực tiễn cao, ứng dụng có hiệu quả trong điều kiện ĐBSCL, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống nông dân và sự phát triển của vùng và qua đó năng lực quản lý và thực hiện dự án của cán bộ Viện được củng cố và nâng cao.
Tóm lại, Viện NCPT ĐBSCL - Trường ĐHCT là một trong những đơn vị đã đóng góp những thành quả của mình vào công cuộc phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, chuyển giao công nghệ cho xã hội. Viện NCPT ĐBSCL được nhiều nơi, kể cả trong nước và trên thế giới, biết đến như là một Viện đa ngành, năng động đang phát triển. Do đó, với yêu cầu phát triển xã hội và xu thế phát triển kinh tế xã hội ở ĐBSCL, Viện NCPT ĐBSCL sẽ càng đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển ở vùng này 

Thông báo

Số lượt truy cập

5598850
Hôm nay
Tuần này
Tháng này
Tất cả
768
4865
21481
5598850

Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long - Đại học Cần Thơ
Địa chỉ: Khu II, đường 3/2, P. Xuân Khánh, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Số điện thoại:+84-292-3833256 - Fax : +84-292-3831270
Email: mdi@ctu.edu.vn; Admin: ntthien@ctu.edu.vn